Blog

CHITOSAN LÀ GÌ? VÌ SAO VIETNAM FOODS (VNF) LẠI SẢN XUẤT CHITOSAN ?

Theo dõi Series bài viết Chitosan ở đây:


Trừ phi bạn làm trong ngành thủy sản, thực phẩm chức năng, những ngành liên quan (hoặc tình cờ trong đời sống, bạn đã từng nghe về nó), Chitosan không phải là một từ phổ biển. Bạn có thể tìm thấy từ Chitosan sau lọ thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân, băng gạc y tế dùng trong bệnh viện, hoặc “họ hàng của nó như ‘’Chitin’’ hay “Vỏ tôm” ở trên chai Glucosamine.

Thông thường, chúng ta sẽ tra ngay Google để hiểu Chitosan là gì và dùng để làm gì. Wikipedia sẽ trả lời là: Chitosan là một polysacarit mạch thẳng được cấu tạo từ các D-glucosamine (đơn vị đã deaxetyl hóa) và N-acetyl-D-Glucosamine (đơn vị chứa nhóm acetyl) liên kết tại vị trí β-(1-4). Nó được sản xuất từ quá trình xử lý vỏ các loài giáp xác (ví dụ vỏ tôm, cua) với dung dịch kiềm NaOH. Cách giải thích này rất học thuật, nếu bạn không phải nhà nghiên cứu thì khó mà hiểu nỗi!!!

VNF’s Chitosan product

Thử 1 kết quả khác trên Google trang WebMD giải thích rằng: ‘’Chitosan là một loại đường (sugar) chiết xuất từ lớp vỏ cứng bên ngoài của các loài động vật có vỏ (shellfish) như cua, tôm và được sử dụng nhiều trong y học”. Khái niệm này dễ hiểu hơn, tuy nhiên lại rất chung chung.

Để hiểu Chitosan là gì, hãy tìm hiểu chúng đến TỪ ĐÂU, được chiết xuất NHƯ THẾ NÀO, và DÙNG ĐỂ LÀM GÌ.

Đầu tiên, Chitosan được chuyển hóa từ Chitin – một hợp chất cấu tạo nên lớp vỏ của các loài động vật chân khớp (như tôm, cua hay côn trùng) hoặc  thành tế bào của 1 số loại nấm. Hãy hình dung bạn vừa đi chợ mua tôm về, bạn nhanh chóng tách hết lớp vỏ để chuẩn bị 1 bữa ăn thịnh soạn ( hoặc bạn sẽ mua tôm lột sẵn với giá mắc hơn để đỡ tốn công). Phần lớn mọi người (các công ty thủy sản, siêu thị, nhà hàng hay người tiêu dùng) đều không hề đắn đo khi vứt bỏ phần “phụ phẩm” này để dùng phần thịt tôm. Thật đáng buồn khi hầu hết chúng ta (kể cả nhân viên trước khi vào làm việc tại VNF) đều không nhận ra phần “phụ phẩm” (đầu, vỏ, đuôi) chứa rất nhiều dinh dưỡng và giá trị có thể khai thác. Tại VNF, phụ phẩm tôm tiếp nhận từ các nhà máy chế biến sẽ được rửa sạch và sàng lọc trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất. Công đoạn đầu tiên trong “mô hình sản xuất không-chất-thải ứng dụng công nghệ sinh học” chính là ÉP CƠ HỌC, nhằm để tách nguyên liệu thành dịch đạm (protein) và xác ép. Dịch đạm được chuyển qua dây chuyền sản xuất Nguyên liệu thực phẩm (Food Ingredients) và Dinh dưỡng sinh học (BioNutrients). Còn xác ép sẽ được dùng để sản xuất Chitin và sau đó là Chitosan.

(Bạn có thể tra Google để tìm hiểu chi tiết về Quy trình chiết xuất Chitin và Chitosan nhưng hãy chuẩn bị tinh thần trước cho chuyển khám phá khoa học này nhé).

Hiểu một cách đơn giản, vỏ tôm ép sẽ đi qua nhiều công đoạn để “rửa sạch” lớp khoáng và protein liên kết với vỏ, còn lại sẽ là 1 lớp vảy trắng – gọi là Chitosan. Trông nhìn rất bình thường, nhưng lớp vỏ polymer sinh học này lại có nhiều công dụng thần kì – nó không chỉ là lớp bảo vệ vững chắc để tôm tiếp tục phát triển & lột vỏ, mà còn có thẻ ứng dụng trong mọi ngành công nghiệp trên thế giới. Một trong những đặc tính quý giá giúp Chitosan trở nên hữu dụng với mọi ngành chính là THÂN THIỆN SINH HỌC, PHÂN HỦY TỰ NHIÊN, và KHÁNG KHUẨN. Một vị giáo sư từng nói với chúng tôi “Chitosan có thể ứng dụng trong mọi ngành, nhưng không phải cùng một loại Chitosan”. Vậy Chitosan được ứng dụng thế nào trong các lĩnh vực khác nhau? Hãy đón xem phần giải đáp ở các bài tiếp theo nhé (bởi vì nếu chúng tôi đều giải thích hết tại đây, chắc sẽ không có ai đọc nỗi – ngoại trừ tác giả)