Theo dõi Series bài viết Chitosan ở đây:
Nếu bạn có đọc bài viết trước (cũng chính là bài đầu tiên) trong chuỗi bài viết về Polymer sinh học, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ đến câu nói của vị giáo sư “Chitosan có thể ứng dụng trong mọi ngành, nhưng không phải cùng 1 loại Chitosan’’
Khi nghe lời phát biểu này của vị giáo sư, tôi đã khựng lại một chút để suy nghĩ và ngay sau đó là một loạt câu hỏi: “LÀM THẾ NÀO Chitosan có thể ứng dụng trong TẤT CẢ các ngành?”, “TẠI SAO một loại Chitosan không dùng được cho nhiều ngành?”
Vậy hãy giải quyết câu hỏi đầu tiên ‘’LÀM THẾ NÀO?’’
Khi nhắc đến Chitosan, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 3 đặc điểm nổi bật nhất.
Đầu tiên, Chitosan rất THÂN THIỆN SINH HỌC. Được chiết xuất từ Chitin – nguồn polymer dồi dào thứ 2 thế giới – Chitosan là một polymer hoàn toàn tự nhiên và không độc hại. Chitosan an toàn và hữu ích với mọi đối tượng từ con người, động vật (trên cạn lẫn dưới nước) cho đến môi trường, nguồn nước với nhiều ứng dụng đa dạng. Ngoài nước và không khí có lẽ sẽ rất khó tìm được một loại vật liệu có khả năng tương thích với mọi loại sinh vật và sự sống trên trái đất (trường hợp bạn dị ứng với tôm thì tôi khuyên bạn nên cẩn thận khi sử dụng Chitosan có nguồn gốc từ tôm). Chitosan được chiết xuất từ tự nhiên (loài giáp xác, côn trùng, nấm) và quay trở lại phục vụ tự nhiên tạo nên một vòng tuần hoàn bền vững.
Thứ hai, đó là khả năng PHÂN HỦY SINH HỌC. Khi chôn xuống đất, Chitosan sẽ bị phân hủy thành một loại phân bón tự nhiên có lợi cho cây trồng. Nguyên nhân là do trong đất có sẵn các loại vi khuẩn và nấm có thể tiết ra enzyme Chitinase. Đúng như tên gọi, Chitinase phân giải Chitin thành hợp chất dễ hấp thu với cây trồng. Đó chính là lý do vì sao người ta thường trộn vỏ tôm cua vào đất. Ngoài việc để tăng độ tơi xốp, Chitin/Chitosan (trong vỏ tôm cua) sẽ kích thích sự phát triển của quần thể vi sinh vật có lợi (như các vi sinh vật tiết ra Chitinase/Chitonase), từ đó hạn chế sự phát triển vi sinh vật có hại (như nấm độc, tuyến trùng và trứng của chúng). Tóm lại, (dựa vào tính chất đất và thời tiết, độ ẩm,…), một loại enzyme trong đất gọi là Chitinase có thể phân hủy Chitosan. Tuy nhiên chúng tôi đảm bảo các sản phẩm Chitosan của VNF đang trữ trong kho sẽ không tự nhiên phân hủy hay biến mất đâu nhé.
Cuối cùng, Chitosan có tính KHÁNG KHUẨN. Nếu bạn từng thấy Chitosan, có lẽ bạn sẽ thắc mắc bằng cách nào mảnh vảy trắng, trong suốt, nhẹ tênh này lại có thể tiêu diệt vi khuẩn. Lần đầu tiên khi biết đến khả năng kháng khuẩn của Chitosan, tôi đã tưởng tượng cảnh những anh hùng thầm lặng này đang chiến đấu với các con vi khuẩn vô hình và hiểm ác. Bên cạnh câu chuyện vui về siêu anh hùng giấu mặt, khả năng thật sự của Chitosan là sở hữu điện tích ion có thể tương tác với điện tích âm trên thành tế bào. Tương tác tĩnh điện này sẽ tác động đến tính thẩm thấu của lớp màng, dần phá hủy lớp màng, làm rò rỉ các thành phần nội bào và cuối cùng ngăn chặn sự sinh sôi của các vi sinh vật gây hại. Nhờ sự tác động của Chitosan, những tế bào độc hại không thể ẩn nấp, phát triển và tấn công cơ thể được nữa.
Hi vọng bài viết này đã giải đáp được câu hỏi ‘’LÀM THẾ NÀO’’ Chitosan có thể ứng dụng được trong tất cả các ngành công nghiệp. Bài viết tiếp theo sẽ phân tích khả năng ứng dụng Chitosan trong những ngành cụ thể, bắt đầu bằng Nhựa sinh học…
Hãy đón xem bài viết tiếp nhé, khi đó bạn sẽ có cái nhìn rất khác về những ly cà phê nhựa mà bạn dùng mỗi ngày đấy.