Ngày 15 tháng 11 năm 2021 vừa qua, Vietnam Food và TômTex đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với mục tiêu cùng nhau phát triển các giải pháp ứng dụng Chitosan – nguyên liệu xanh từ phụ phẩm tôm – trong ngành vải và thời trang
Hằng năm, ngành công nghiệp thực phẩm tạo ra đến 8 triệu tấn chất thải từ tôm và các loài giáp xác nói chung. Nhiều người quan niệm (sai lầm) rằng chỉ có chính phẩm (phần thịt) mới có giá trị. Thực tế, ít ai biết rằng, từ phụ phẩm tôm có thể chiết xuất được “Chitosan” – một polymer tự nhiên có cấu trúc vừa bền vừa linh hoạt với nhiều tính năng độc đáo, đặc biệt khả năng phân hủy sinh học và kháng khuẩn.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng: mỗi khi ăn tôm – dù ở nhà hay ngoài hàng – chúng ta đang tạo ra rác thải và lãng phí tài nguyên. Việt Nam với ngành thủy sản nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu trên thế giới, lượng phụ phẩm từ thủy sản là vô cùng lớn.
Giải pháp cho vấn đề này? Sự đổi mới sáng tạo kết hợp từ Công nghệ sinh học (Biotechnology) và Thiết kế sinh học (Biodesign).
Công nghệ sinh học thân thiện với môi trường cho phép VNF đảm bảo được nguồn cung Chitosan lớn và bền vững. Là doanh nghiệp xử lý phụ phẩm tôm hàng đầu tại Việt Nam, VNF đầu tư nghiêm túc vào Nghiên cứu và phát triển (R&D) và Công nghệ, thành công trong việc xây dựng một danh mục sản phẩm Chitosan đa dạng và đa ứng dụng.
TômTex là công ty dẫn đầu trong sản xuất vật liệu thế hệ mới từ 2 nguyên liệu chính: vỏ hải sản và bã cà phê. Những vật liệu sinh học từ Tômtex giúp nhà thiết kế tự do sáng tạo và ít bị ràng buộc về kích thước, độ dày và tỷ lệ của nguyên liệu. Đây được xem là giải pháp thay thế bền vững và kinh tế. Đặc biệt, vật liệu sinh học từ TômTex góp phần giải quyết vấn nạn nhựa toàn cầu. Ví dụ, các loại vật liệu giả da được sản xuất từ nhựa polyurethane độc hại trong khi các vật liệu da thật có nguồn gốc từ động vật gây ra ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.
VNF và TômTex sẽ cùng nhau hợp tác chiến lược – tận dụng thế mạnh của mỗi bên xây một chuỗi giá trị toàn diện. Bắt đầu từ việc VNF thu gom và chế biến phụ phẩm tôm thành Chitosan, nguyên liệu Chitosan sau đó sẽ tích hợp vào quá trình sản xuất da sinh học – sản phẩm phân hủy sinh học và 100% không nhựa của TômTex. Một quy trình toàn diện vừa giải quyết vấn đề rác thải vừa tạo ra sản phẩm giá trị cho người tiêu dùng!
‘’Chúng tôi cam kết sẽ kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và công nghệ tiên tiến để tạo nên những vật liệu sinh học chất lượng và bền vững với tính ứng dụng cao cho khách hàng. Ở TômTex, chúng tôi tin rằng việc tiếp cận những nguyên liệu thân thiện với môi trường sẽ là bước tiến quan trọng trong việc làm chậm biến đổi khí hậu, đảm bảo tương lai bền vững. Ngoài ra các vật liệu của TômTex còn “thân thiện” với các Thương hiệu – vật liệu dễ dàng trong việc thiết kế sản phẩm và kết nối với người tiêu dùng. Chỉ đảm bảo tính bền vững không thể là giải pháp trọn vẹn và lâu dài. Người tiêu dùng dù có quan tâm tới môi trường, cũng chỉ chấp nhận khi sản phẩm đạt các tiêu chí về thẩm mỹ và hiệu suất và, dễ tiếp cận’’ phát biểu bởi Uyên Trần – nhà thiết kế và nhà sáng lập của TômTex.
Với đội ngũ sáng lập gồm những người Việt xuất sắc, hợp tác giữa VNF và TômTex sẽ là minh chứng cho sức mạnh của chuỗi cung ứng Việt Nam và khả năng đổi mới sáng tạo của người Việt từ khắp mọi nơi trên thế giới. Từ “Tôm” trong TômTex có thể liên hệ tới vỏ tôm – phụ phẩm bị thải bỏ nhưng lại là nguồn nguyên liệu và cảm hứng cho TômTex – như một cách gợi nhớ tới nguồn cội Việt của những nhà sáng lập và thiết kế tại TômTex.
Nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt. Giữa bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng cấp thiết và ngành thời trang đang chuyển mình theo xu hướng bền vững, vật liệu sinh học từ Chitosan là một giải pháp tuyệt vời cho sự phát triển của thế giới trong tương lai. VNF hy vọng rằng với những nỗ lực của chúng tôi trong việc phát triển những tiềm năng vô hạn của phụ phẩm tôm (rất dồi dào ngay tại Việt Nam) thành những giải pháp bền vững cho xã hội, các nguồn nguyên liệu tự nhiên sẽ được người tiêu dùng trân trọng và giữ gìn hơn.