VNF BULLETIN #4 – Oligochitosan và Peptide: Giải Pháp Hữu Cơ Tăng Năng Suất và Hiệu Quả Kinh Tế cho cây Cải ngọt (Brassica intergrifolia L.)

Trong nghiên cứu gần đây tại Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, việc kết hợp Oligochitosan và Peptide đã mang lại những hiệu quả vượt trội trong việc cải thiện năng suất và chất lượng của cây cải ngọt (Brassica intergrifolia L.). Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2024, nhằm đánh giá hiệu quả kết hợp của hai hoạt chất này đến sự phát triển, năng suất của cây cải ngọt. Kết quả cho thấy sử dụng phân gốc kết hợp với phun Peptide nồng độ 0.5%  + Oligochitosan nồng độ 0.25% cho hiệu quả sinh trưởng và năng suất tốt nhất (44.9 tấn/ha), rút ngắn thời gian thu hoạch (giảm 2–4  ngày), đồng thời mang lại lợi nhuận cao cho nông dân (650 triệu vnđ/ha). Ngoài ra khi sử dụng riêng lẻ Peptide nồng độ 0.5% cũng cho kết quả khá tốt so với nghiệm thức đối chứng không phun và đối chứng nông dân (dùng đạm cá tự ủ), năng suất (43.2 tấn/ha),  lợi nhuận (618 triệu vnđ/ha).

Peptide và Oligochitosan là hai hoạt chất sinh học có nhiều tiềm năng trong việc cải thiện năng suất và sức khỏe cây trồng, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Ưu điểm của hai hoạt chất này là đều có nguồn gốc từ tự nhiên, an toàn cho người sử dụng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững.

Peptide là sản phẩm của quá trình thủy phân protein bằng enzyme thành các peptide, acid amin. Peptide là dinh dưỡng ở dạng dễ tiêu, cây trồng có thể hấp thu nhanh qua lá, rễ mà không cần phải trải qua quá trình phân giải của vi sinh vật đất hay chuyển hóa, tổng hợp phức tạp. Điều này giúp cây trồng tiết kiệm năng lượng và thời gian tổng hợp protein từ amoni hay nitrate. Chính vì vậy, bổ sung peptide trong quy trình bón phân cho cây, sẽ giúp cây phát triển nhanh, hấp thu các dinh dưỡng khoáng tốt hơn.

Chitosan là một hoạt chất sinh học được tạo ra từ quá trình deacetyl của chitin, một thành phần phổ biến trong vỏ của giáp xác như tôm, cua. Với nhiều đặc tính sinh học nổi bật, chitosan được ứng dụng trong nông nghiệp như một chất Bảo vệ thực vật sinh học, chất kích kháng tự nhiên nhằm tăng cường sức khỏe cho cây trồng. Oligochitosan là một dạng chitosan có khối lượng phân tử thấp nên dễ dàng hòa tan trong nước, có hoạt tính sinh học cao và cây trồng hấp thu tốt hơn.

THÔNG TIN THỬ NGHIỆM:

• Địa điểm: Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk.

• Thời gian thực hiện: 06 – 07/2024

• Loại sản phẩm: Peptide (phân bón 9 Rồng 01 – CR01) và Oligochitosan (COSL-02)

• Đơn vị thực hiện: Công ty CP Việt Nam Food

• Thông tin về Oligochitosan:

+ Hàm lượng Oligochitosan: ≥ 4%

+ Độ deacetyl hóa (DD): ≥ 80%

+ Độ nhớt: ~ 1.09 cPs

+ Nguồn gốc: 100% chitosan từ vỏ tôm được sản xuất bởi Công ty CP Việt Nam Food

• Thông tin về Peptide:

+ Hàm lượng chất hữu cơ: ≥ 25%

+ Đạm tổng số: ≥ 2%

+ C/N: 12

• Đối tượng thí nghiệm: Cây cải ngọt (Brassica intergrifolia L.)

• Phương pháp: Dựa theo tiêu chuẩn TCVN 12719:2019 về khảo nghiệm phân bón cho cây trồng hằng năm.

• Các công thức thí nghiệm:

Ghi chú: Tất cả các nghiệm thức đều sử dụng phân gốc với liều lượng : 5,000 kg phân gà Nhật/ha. Bón lót trước khi trồng 15 ngày.

• Phương pháp xử lý:

+ Cách sử dụng: phun qua lá.

+ Thời gian phun: sáng sớm hoặc chiều mát.

+ Số lần phun: 3 lần. Phun lần thứ nhất ở thời điểm 3 – 5 ngày sau trồng, phun định kỳ 7 ngày/lần

+ Lượng nước phun:

○ Thời điểm 3 – 5 ngày sau trồng: 400 lít/ha

○ Thời điểm 10 – 12 ngày sau trồng: 500 lít/ha

○ Thời điểm 17 – 19 ngày sau trồng: 600 lít/ha

THIẾT KẾ THÍ NGHIỆM:

Thí nghiệm được bố trí theo khối đầy đủ ngẫu nhiên (Randomized Complete Block Design – RCBD) gồm 6 NT tương ứng với 6 công thức phân bón, 3 lần lặp lại. Sơ đồ bố trí thí nghiệm:

Hình 1: Sơ đồ bố thí nghiệm ngoài đồng ruộng

KẾT QUẢ

Hiệu quả Kết hợp Peptide (CR01) và Oligochitosan (COSL-02) đến các chỉ tiêu sinh trưởng và thời gian thu hoạch : Phun kết hợp COSL- 02 nồng độ 0.25% với CR01 nồng độ 0.5% cho kết quả chiều cao cây cao nhất (31.5 cm) trong các nghiệm thức, tăng 17% so với đối chứng không phun. Số lá ở các nghiệm thức dao động từ 7 – 8 lá. Sử dụng CR01, COSL-02 cho thời gian thu hoạch sớm hơn so với đối chứng 2 – 4 ngày.

Hình 2: Ảnh hưởng của các công thức phân bón khác nhau đến chiều cao cây, số lá và thời gian thu hoạch cây cải ngọt
Hình 3: Chiều cao cây cải ngọt ở các nghiệm thức khác nhau tại thời điểm 21 ngày sau trồng

Hiệu quả Kết hợp Peptide (CR01) và Oligochitosan (COSL-02) đến các chỉ tiêu năng suất và hiệu quả kinh tế cây cải ngọt : Phun kết hợp COSL-02 nồng độ 0.25% với CR01 nồng độ 0.5% cho kết quả năng suất thực tế nhất đạt 44.9 tấn/ha, tăng 35% so với đối chứng không phun, tăng 24% so với đối chứng nông dân sử dụng đạm cá. Phun CR01 ở nồng độ 0.5% cũng cho kết quả năng suất tốt, đạt 43.2 tấn/ha.

Hình 4: Ảnh hưởng của các công thức phân bón khác nhau đến năng suất và hiệu quả kinh tế cây cải ngọt

Hiệu quả Kết hợp Peptide (CR01) và Oligochitosan (COSL-02) đến hiệu quả kinh tế cây cải ngọt trồng tại Đăk Lăk: Phun kết hợp COSL- 02 nồng độ 0.25% với CR01 nồng độ 0.5% cho lợi nhuận cao nhất (650 triệu đồng/ha), tăng 55% so với đối chứng không phun, tăng 35% so với đối chứng nông dân sử dụng đạm cá.

Ghi chú: thực nghiệm này cho kết quả năng suất thực tế, lợi nhuận cao hơn so với các mô hình trồng cải ngọt thông thường vì mật độ trồng dày (1,000,000 cây/ha) và trồng hữu cơ nên giá bán tại ruộng cao. Tại thời điểm thu hoạch, giá cải ngọt là 20,000 vnđ/kg.

KẾT LUẬN

Sử dụng phân gốc kết hợp với phun CR01 nồng độ 0.5%  + COSL-02 nồng độ 0.25% cho hiệu quả sinh trưởng và năng suất tốt nhất (44.9 tấn/ha), rút ngắn thời gian thu hoạch (giảm 2–4  ngày), đồng thời mang lại lợi nhuận cao cho nông dân (650 triệu vnđ/ha). Ngoài ra khi sử dụng riêng lẻ CR01 nồng độ 0.5% cũng cho kết quả khá tốt so với nghiệm thức đối chứng không phun và đối chứng nông dân (dùng đạm cá tự ủ), năng suất (43.2 tấn/ha),  lợi nhuận (618 triệu vnđ/ha).

Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) có thể cung cấp một danh mục sản phẩm Peptide và Chitosan đa dạng phù hợp cho nhiều ứng dụng trong mảng Cây trồng như: phân bón, thuốc BVTV, Chất bảo quản nông sản. Bộ sản phẩm được sản xuất từ nguồn phụ phẩm đầu vỏ tôm của ngành chế biến thủy hải sản và được xem là “Giải pháp gia tăng giá trị từ phụ phẩm cho nông nghiệp”. Bộ giải pháp phù hợp với xu hướng canh tác Nông nghiệp bền vững, giảm phát thải và nâng cao lợi ích cho người nông dân.

Nguồn: Thí nghiệm thuộc khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư (MPI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và được thực hiện bởi Công ty CP Việt Nam Food