Một doanh nghiệp Việt nhìn thấy “Mỏ vàng” trong 1,000 tấn phụ phẩm tôm bị thải bỏ mỗi ngày

“Không chất thải” (Zero-waste) là một trong nhiều cụm từ thường nhắc đến trong phát triển bền vững. Và Công ty Công nghệ sinh học Vietnam Food (VNF) đã và đang theo đuổi định hướng “Không chất thải” một cách đúng nghĩa nhất!

Hiện tại, theo ước tính sơ bộ, Việt Nam đang thải ra (và lãng phí) 1.000 tấn phụ phẩm tôm/ngày gồm đầu, vỏ và các bộ phận khác không được sử dụng trong quá trình chế biến thủy sản. Mục tiêu của VNF là tận thu và chiết xuất mọi phần có thể của nguyên liệu này cho tới khi chỉ còn lại nước sạch – nước sạch sau đó được tái sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, và quy trình này sẽ tiếp tục lặp lại.

Trao đổi với Undercurrent News, ông Lộc Phan – Giám đốc điều hành của VNF, đồng thời là người sáng lập quỹ đầu tư Vietnam Investments Group, đơn vị nắm cổ phần tại VNF – cho rằng tạo ra 10 hoặc 15 lần giá trị gia tăng từ nguyên liệu thô phụ phẩm tôm đồng nghĩa với việc thu về 1 USD/kg phụ phẩm – hay 1 triệu Đô la Mỹ giá trị tiềm năng có thể tạo ra mỗi ngày cho toàn ngành.

Và khi sản phẩm mới nhất của công ty chính thức được sản xuất ở quy mô thương mại vào năm 2022, giá trị gia tăng tạo ra từ phụ phẩm tôm có thể lớn hơn rất nhiều. Ông Lộc Phan lấy dẫn chứng Na Uy – quốc gia với công nghệ sinh học rất phát triển – “giá trị gia tăng từ các nguyên liệu phụ phẩm đã đạt từ 28 đến 30 lần”.

Vào cuối năm 2021, VNF bắt đầu vận hành dây chuyền sản xuất thương mại chất chống oxy hóa tự nhiên Astaxanthin, đưa VNF trở thành công ty tiên phong trong việc thương mại hóa Astaxanthin (từ tôm) – sắc tố giúp cá hồi có được màu đỏ như trong tự nhiên – và đồng thời bổ sung dòng sản phẩm chủ lực thứ tư trong danh mục sản phẩm của VNF,  tất cả đều từ đầu và vỏ tôm.

Ba dòng sản phẩm chủ lực còn lại là Nguyên liệu thực phẩm (ví dụ như gia vị), Dinh dưỡng sinh học hay peptide, Polymer sinh học, cụ thể là chitosan. Dòng sản phẩm thứ tư – Astaxanthin tự nhiên – sẽ được đẩy mạnh sản xuất trong quý I năm 2022.

Thị trường mục tiêu hiệu tại cho dòng Astaxanthin của VNF là thức ăn cho thú cưng và thức ăn chăn nuôi, bao gồm thủy sản. Astaxanthin cũng tiềm năng trên người với ứng dụng trong dược phẩm và mỹ phẩm, tuy nhiên những ứng dụng này sẽ cần được nghiên cứu sâu hơn.

Đặc tính kháng viêm của Astaxanthin thậm chí đang được nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng hỗ trợ bệnh nhân mắc COVID-19, theo bà Linh Nguyễn, Phó phòng chiến lược của VNF.

Bà cho biết, VNF đang hướng tới mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp Astaxanthin tự nhiên (phân biệt với nguồn Astaxanthin tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu mỏ). Trên thị trường, Astaxanthin tự nhiên có thể được chiết xuất từ ​​vi tảo và nhuyễn thể – cần phải nuôi trồng (tảo) hoặc đánh bắt (nhuyễn thể), vì thế có giá thành cao.

VNF tin rằng khi đạt quy mô sản xuất lớn, Astaxanthin từ đầu vỏ tôm có thể sẽ trở thành một nguồn cung qua trọng của thị trường với giá trị dự kiến có thể lên tới 965 triệu USD vào năm 2026.

Bà Linh Nguyễn cho biết chiến lược phát triển quan trọng nhất của công ty trong hơn 7 năm qua là đầu tiên phải đảm bảo nguồn cung nguyên liệu – thông qua hợp tác chiến lược dài hạn với các công ty chế biến thủy hải sản hàng đầu Việt Nam.

Đồng thời bà cho biết VNF đầu tư cải tạo hệ thống thu gom và lưu trữ, đảm bảo nguyên liệu với tiêu chuẩn tốt nhất và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Bà Lily Phan – Giám đốc phát triển kinh doanh của VNF – cho biết khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm “là nhờ vào nỗ lực của VNF trong việc cải tiến quy trình xử lý nguyên liệu đầu vào và làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu, để việc VNF thu gom phụ phẩm tôm là sự tiếp nối của chuỗi cung ứng hiện tại”.

“Các nhà cung cấp của chúng tôi là những nhà chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Vì vậy, chúng tôi có thể kế thừa hệ thống truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đó; chúng tôi không mua nguyên liệu một cách tuy tiện; chúng tôi đã và đang nỗ lực để đảm bảo tính đồng nhất và liên tục của chuỗi cung ứng đó”.

Với việc chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp ba lần giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những năm tới, VNF coi đó là cơ hội tuyệt vời. Khi đó nguồn cung nguyên liệu đầu vào có thể lên tới 500.000 tấn.

Với nguồn cung nguyên liệu ngày càng tăng, VNF đẩy mạnh thương mại hóa các “sản phẩm nền ” và nghiên cứu những sản phẩm có tiềm năng đột phá mới, đồng thời tập trung vào việc phát triển các ứng dụng cho dòng peptide từ tôm và các sản phẩm “theo đặt hàng” cùng với các đối tác chiến lược, theo lời bà Lily Phan.

Ví dụ, ở thời điểm hiện tại, công ty đang nghiên cứu phát triển ứng dụng của chitosan trong chăn nuôi bò sữa (trong đó Chitosan có tiềm năng thay thế kháng sinh), vi bao cho các sản phẩm gia dụng hoặc giúp bảo quản thực phẩm, chăm sóc tóc và “bao bì sinh học ”.

Bà Lily Phan nhấn mạnh: “Một ứng dụng thành công có thể đảm bảo nguồn doanh thu lớn cho chúng tôi trong tương lai ”

Bản dịch từ nguyên tác Tiếng Anh “Vietnamese firm sees gold in 1,000t-perday of shrimp ‘waste’” (Vietnamese firm sees gold in 1,000t-per-day of shrimp ‘waste’ – Undercurrent News) của tác giả Neil Ramsden trên Undercurrent News.