ASTAXANTHIN SERIES – PHẦN 4/9: TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH & SỨC KHỎE SINH SẢN

DẠO ĐẦU SIÊU NĂNG LỰC NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI KẾT

Giai đoạn sinh sản – khi một bào thai được hình thành và nuôi dưỡng, và một cá thể sống mới chào đời – là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong vòng đời phát triển của mọi sinh vật sống. Dù là một phần tất yếu của quá trình tiến hóa tự nhiên, sứ mệnh này không hề dễ dàng. Như cá hồi, khi đến mùa sinh sản, sẽ di cư từ vùng biển nước mặn ngược dòng thác về lại dòng suối ngọt nơi chúng sinh ra để đẻ trứng. Kết thúc hành trình đầy vất vả và gian nan này, cá hồi kiệt sức và chết.

Astaxanthin – được xem là “Phép màu (đỏ) của Tạo hóa” – đóng vai trò gì trong sứ mệnh cao cả này của cá hồi (và những sinh vật sống khác)? Và trong hành trình sau đó – khi sự sống hình thành và phát triển?

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong Phần 1 của bài này nhé!

ASTAXANTHIN VÀ SỨC KHỎE SINH SẢN

Dân số thế giới dự báo sẽ đạt mốc 10 tỷ người vào năm 2050, đặt gánh năng tăng trưởng lên ngành chăn nuôi trong bối cảnh tình trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Việc nhân giống và cung cấp giống cho ngành chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản, vì thế, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng tôi tin rằng không một cá nhân hay tổ chức nào có thể đứng ra giải quyết được vấn đề này một mình, mà cần sự hợp tác và hợp lực.

Chúng tôi với dòng sản phẩm Astaxanthin tự nhiên, hy vọng có thể đóng góp được một phần nhỏ trong hành trình thực hiện Sứ mệnh đó. Với nhiều “siêu năng lực”, Astaxanthin (tự bản thân nó, hoặc với vai trò là tiền chất của Provitamin A) tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình sinh sản: từ trưởng thành sinh dục; đẻ trứng/tinh trùng và thụ thai; phôi thai phát triển đến giai đoạn ấu trùng [1]. Để hiểu rõ hơn vai trò của Astaxanthin, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu hành trình sinh sản của Cá hồi nhé (Tiết học“Giáo dục giới tính Cá Hồi 101”)

Hình 1: Cơ chế tác động của Astaxanthin trong giai đoạn sinh sản của Cá Hồi
  1. Trưởng thành sinh dục

    Khi cá hồi trưởng thành bước vào giai đoạn trưởng thành sinh dục – khi cơ thể chúng đã sẵn sàng cho hoạt động sinh sản – Astaxanthin bắt đầu chuyến đi đầu tiên trong hành trình sinh sản: di chuyển từ cơ tới da và các cơ quan sinh sản (buồng trứng và tinh hoàn). Mục đích? Để thúc đẩy quá trình trưởng thành sinh dục của cá hồi TỪ NGOÀI VÀO TRONG (sau cùng thì chúng ta không thể trông mặt mà bắt hình dong được, đúng không?)

    1. Bên ngoài – “Trang phục” bắt mắt để thu hút bạn tình 
      Trong mùa giao phối, cá hồi đực trưởng thành tập trung các sắc tố trong cơ thể (các carotenoid tạo nên màu sắc đặc trưng trên da thịt cá hồi) về da, tạo nên một lớp da rực rỡ và màu sắc để thu hút bạn tình (Điều này khiến tác giả bài viết liên tưởng ngay tới bài hát “Diamond” của Rihana: Shine bright like a Diamond – tạm dịch: Rực sáng như những viên kim cương!). Và bạn biết không: động vật thủy sản chọn bạn tình dựa trên “Ngoại hình”: màu sắc càng rực rỡ (dưới con mắt của chúng), người bạn tình càng “chất lượng” [1].(Khi không có quần áo để “lên đồ” được như chúng ta, thì chúng đành phải “có gì dùng nấy” để kiếm được một cuộc hẹn và một người bạn tình thôi!)
    2. Bên trong – Tăng cường khả năng sinh sản
      Trên hành trình di chuyển, Astaxanthin định vị tại buồng trứng và tinh hoàn, thúc đẩy sự phát triển của các bộ phận này – từ đó, tăng cường khả năng sinh sản theo nhiều cách khác nhau [1] [2]:

       

      • Thúc đẩy sản xuất trứng và tinh trùng (tăng số lượng)
      • Nâng cao hàm lượng dinh dưỡng có trong trứng (gồm chất béo, đạm và caroteinoid, gồm cả Astaxanthin)
      • Nâng cao hoạt động của tinh trùng (nồng độ tinh trùng, khả năng di chuyển và khả năng tồn tại)

Nhiều trứng và tinh trùng hơn và với chất lượng tốt hơn, cá hồi bố mẹ càng có nhiều cơ hội hơn để tạo ra cá hồi con!

  1. Đẻ trứng/tinh trùng & thụ tinh
    Bạn có biết: Cá hồi (và một số loài thủy sản khác) thụ tinh ngoài – cá hồi cái đẻ trứng vào ổ, và cá hồi đực sẽ giải phóng tinh trùng lên trứng trong ổ để thụ tinh – tất cả diễn ra ở môi trường nước! Vậy nên sẽ có hai trở ngại lớn để có thể hình thành nên phôi::
    1. Tinh trùng cần tìm được đường tới trứng ở trong một không gian mở và vì thế khó khăn (Rất áp lực cho phái nam!)
    2. Tinh trùng và trứng (và phôi thai sau này) tồn tại và phát triển trong môi trường nước với nhiều yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh thành công: tia cực tím, stress môi trường (nồng độ ammonia hay nhiệt độ nước cao)

    Cũng như với những khó khăn thách thức khác mà chúng tôi đã trình bày trong suốt series, Astaxanthin đều có thể vượt qua được:

    1. Trong trứng cá hồi, Astaxanthin đóng vai trò là hóc môn thụ tinh. Hay nói cách khác, với Astaxanthin, trứng có thể gửi tín hiệu thụ tinh để thu hút tinh trùng và vì thế giúp tinh trùng và trứng tìm thấy nhau [2]!
    2. Với khả năng chống oxy hóa ưu việt (như đã trình bày trong những bài trước), Astaxanthin bảo vệ trứng và tinh trùng khỏi những tác động từ môi trường, và vì thế thúc đẩy quá trình thụ tinh và hạn chế suy giảm chất lượng [1].
  1. Phôi hình thành & phát triển
    Trứng và tinh trùng gặp nhau, voilà: chúng ta có PHÔI cá hồi. Tuy nhiên, tế bào phôi ngay từ những ngày đầu đã gặp nhiều thách thức: định hình và phát triển trong môi trường nước (thay vì lớn lên trong bụng mẹ với sự bảo vệ và che chở như nhiều loài động vật khác). May mắn thay, phôi thai thừa hưởng chất dinh dưỡng, đặc biệt là Astaxanthin có trong trứng [3]. Phôi thai với Astaxanthin – là tình yêu và sự che chở của người mẹ – sẽ có cơ hội sống sót cao hơn.

    Phôi thai phát triển và ấu trùng nở ra, và một lần nữa những “siêu năng lực”
    của Astaxanthin mà ấu trùng được thừa hưởng từ cá hồi mẹ, lại tiếp tục đi theo bảo vệ chúng. Một cuộc sống mới bắt đầu và một vòng quay mới lại tiếp tục. Astaxanthin tiếp tục đồng hành trong mỗi chặn đường và đóng góp theo cách rất riêng của nó!

    Tiếp theo trong phần II, chúng ra sẽ cùng khám phá một sứ mệnh khác của Astaxanthin: Tăng cường miễn dịch.

ASTAXANTHIN VÀ TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH

Trong những trang đầu cuộc đời, động vật cũng như con người rất dễ bị bệnh vì khi đó hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Theo thời gian, sức khỏe được cải thiện dần. Tuy nhiên, trước khi bạn nhận ra thì sức khỏe bắt đầu xuống cấp do quá trình lão hóa. Ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, từ trẻ cho tới già, đặc biệt là trong những giai đoạn đặc biệt dễ bị tổn tương, Astaxanthin đều phát huy được vai trò hỗ trợ sức khỏe, nhờ vào khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch!

Chúng tôi đã thảo luận tính năng chống oxy hóa trong những bài trước, trong phần này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Tính năng tăng cường miễn dịch của Astaxanthin nhé!

Và bây giờ, sau tiết học “Giáo dục giới tính Cá hồi 101”, hãy cùng tếp tục bài học thứ hai “Hệ miễn dịch 101”.

Hệ thống miễn dịch của mọi sinh vật sống bao gồm một mạng lưới các tế bào, mô và cơ quan để bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh xâm nhập và/hoặc tiêu diệt những mầm bệnh đã xâm nhập vào cơ thể. Tại đây, các tế bào miễn dịch và kháng thể – những chiến binh trung thành của cơ thể – phối hợp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ thứ 2 – loại bỏ những kẻ xâm lược! Ví dụ, khi virus (như Covid-19 “đáng ghét”) xâm nhập vào cơ thể vật chủ, nó sẽ tấn công các tế bào vật chủ để tồn tại và nhân bản. Tuy nhiên, những kẻ xâm lược này không được chào đón, vậy nên hệ thống miễn dịch được kích hoạt và bảo vệ cơ thể theo hai con đường:

  1. Một số tế bào miễn dịch được huy động tới chiến trường – các tế bào đã bị virus xâm chiếm – và trực tiếp loại bỏ các tế bào này (và vì thế loại bỏ luôn cả những con virus),
  2. Một loại tế bào miễn dịch khác (Tế bào B) sẽ sản sinh ra các kháng thể để vô hiệu hóa virus (một nước đi gián tiếp). Khi đó, virus sẽ không còn khả năng xâm chiếm tế bào vật chủ nữa!

Trông mạnh mẽ và uy lực như vậy, nhưng các tế bào miễn dịch cũng rất mỏng manh và cần được bảo vệ. Điều này là vì lớp màng tế bào của các tế bào miễn dịch được cấu thành từ những các acid béo không bão hòa, và vì thế rất dễ bị oxy hóa [1], [4], [5].

Hình 2: Cơ chế tác động của Astaxanthin lên hệ thống miễn dịch

Nhắc đến oxy hóa, có lẽ giờ đây bạn sẽ nghĩ ngay tới Astaxanthin – vua của các chất chống oxy hóa (nếu như bạn đã dõi theo chúng tôi và series Astaxanthin cho tới bây giờ). Không chỉ là đơn thuần là một chất chống oxy hóa, Astaxanthin cung cấp hai tầng bảo vệ cho hệ miễn dịch:

  • Lá chắn mạnh mẽ hơn: Astaxanthin bảo vệ các tế bào miễn dịch khỏi stress oxy hóa, đảm bảo các “chiến binh” miễn dịch hoàn thành sứ mệnh bảo vệ cơ thể của mình.
  • Nhiều “Chiến binh” miễn dịch hơn: Astaxanthin thúc đẩy sản xuất các tế bào miễn dịch và kháng thể – một đội quân lớn hơn sẵn sàng khi cơ thể bị tấn công!

Vậy nên, bổ sung Astaxanthin, cơ thể bạn, thú cưng của bạn và các loài động vật đều được trang bị một hàng rào miễn dịch bảo vệ mạnh mẽ hơn và chắc chắn hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong những thời điểm nhạy cảm như giữa đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hay khi ngày càng nhiều bệnh mãn tính (ung thư, tim mạch…). Càng khó khăn chúng ta lại càng cần được bảo vệ!

THỬ NGHIỆM ASTAXANTHIN TỰ NHIÊN TRÊN GÀ ĐẺ CỦA VNF

Đầu năm nay (2021), VNF thực hiện thử nghiệm đầu tiên với Astaxanthin tự nhiên từ tôm trên gà đẻ. Những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn cho thấy được hiệu quả của Astaxanthin trong nâng cao sức khỏe sinh sản và hệ miễn dịch của vật nuôi.

  • Sức khỏe sinh sản: Những nghiệm thức bổ sung Astaxanthin có số lượng trứng cao hơn (tới 10% so với nghiệm thức đối chứng) và chất lượng tốt hơn (màu sắc lòng đỏ đậm và đẹp hơn)
  • Sức khỏe miễn dịch:  Tại tuần thứ 3 của thí nghiệm, gà mắc virus cúm gia cầm và được tiến hành tiêm phòng. Trong những tuần đầu tiên của thử nghiệm, gà đẻ ở các nghiệm thức (có Astaxanthin và không có Astaxanthin) không có sự khác biệt về năng suất trứng. Tuy nhiên, sau khi tiêm phòng, gà trong các nghiệm thức sử dụng Astaxanthin cho thấy sự hồi phục tốt hơn: sức khỏe tốt hơn và năng suất trứng cao hơn!

Hình 3: Kết quả thực nghiệm trên gà đẻ

LỜI KẾT

Chúng ta đã đi được gần một nửa chặng đường của series Astaxanthin này; đã cùng nhau tìm hiểu và khám phá ra các “siêu năng lực” của Astaxanthin, gồm: tạo màu, chống oxy hóa, hỗ trợ sinh sản, và nâng cao miễn dịch. Trong phạm vi 3 bài viết, chúng tôi mới chỉ điểm qua được những thông tin cơ bản nhất. Ngoài ra, Astaxanthin còn được biết đến với vai trò hỗ trợ sức khỏe đường ruột, chống viêm, và chống béo phì,v.v. Tuy nhiên, để tránh series Astaxanthin này kéo dài “vô tận”, có lẽ đã tới lúc chúng ta dừng lại ở hành trình khám phá các chức năng và mở ra một chương mới: Ứng dụng của Astaxanthin trong các lĩnh vực khác nhau – cũng là mong mỏi của rất nhiều độc giả.

Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận chủ đề rất thân thuộc với khách mời là người bạn thân thiết của nhiều gia đình: Thú cưng và Astaxanthin. Một lời khuyên nho nhỏ, có lẽ đã tới lúc bạn bổ sung Astaxanthin tự nhiên cho Thú cưng nhà bạn. Sau cùng thì, các bé cưng là những thành viên được nuông chiều nhất trong gia đình, đúng không?

NGUỒN

[1]      K. C. Lim, F. M. Yusoff, M. Shariff, and M. S. Kamarudin, “Astaxanthin as feed supplement in aquatic animals,” Rev. Aquac., vol. 10, no. 3, pp. 738–773, 2018, doi: 10.1111/raq.12200.

[2]      M. R. Ahmadi, A. A. Bazyar, S. Safi, T. Ytrestøyl, and B. Bjerkeng, “Effects of dietary astaxanthin supplementation on reproductive characteristics of rainbow trout (Oncorhynchus mykiss),” J. Appl. Ichthyol., vol. 22, no. 5, pp. 388–394, 2006, doi: 10.1111/j.1439-0426.2006.00770.x.

[3]      A. A. Bazyar Lakeh, M. R. Ahmadi, S. Safi, T. Ytrestøyl, and B. Bjerkeng, “Growth performance, mortality and carotenoid pigmentation of fry offspring as affected by dietary supplementation of astaxanthin to female rainbow trout (Oncorhynchus mykiss) broodstock,” J. Appl. Ichthyol., vol. 26, no. 1, pp. 35–39, 2010, doi: 10.1111/j.1439-0426.2009.01349.x.

[4]      S. H. A. Raza et al., “Beneficial effects and health benefits of Astaxanthin molecules on animal production: A review,” Res. Vet. Sci., vol. 138, no. May, pp. 69–78, 2021, doi: 10.1016/j.rvsc.2021.05.023.

[5]      J. S. Park, B. D. Mathison, M. G. Hayek, J. Zhang, G. A. Reinhart, and B. P. Chew, “Astaxanthin modulates age-associated mitochondrial dysfunction in healthy dogs,” J. Anim. Sci., vol. 91, no. 1, pp. 268–275, 2013, doi: 10.2527/jas.2012-5341.