BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐOÀN CHUYÊN GIA THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI CÔNG TY VNF

Thêm một cột mốc ý nghĩa với VNF để kết thúc năm 2021 khi tuần qua công ty vinh hạnh đón tiếp ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đoàn chuyên gia từ Bộ Khoa Học Công Nghệ, và các trường Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU HCMC), Đại học Bách Khoa (HCMUT), và Đại học Quốc tế (IU – VNU HCMC).

 Bộ Trưởng và đoàn chuyên gia đã trao đổi cùng ban lãnh đạo công ty VNF về việc phát triển ngành phụ phẩm tôm và triển khai ứng dụng giúp phát triển kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần các giải pháp phát triển bền vững.

Hình 1. Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ và đoàn chuyên gia thăm và làm việc với công ty VNF
Hình 2: Bộ Trưởng và đoàn chuyên gia chụp hình lưu niệm cùng Ban Lãnh Đạo công ty VNF

Ngành nông nghiệp Việt Nam – Tiềm năng cao nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Là nước nông nghiệp, Việt Nam tập trung nhiều nguồn lực phát triển các nông sản trọng điểm và đạt nhiều thành tựu trên trường quốc tế (nhóm đầu thế giới về gạo, cà phê, tôm,..). Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều mắt xích cần xử lý để thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, song song với gia tăng giá trị và chất lượng đầu ra. Ví dụ trong ngành chăn nuôi:

  • Đầu vào: Chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (nhất là đạm thô), dẫn đến bị động nguồn cung, mất lợi thế cạnh tranh [1] và ảnh hưởng an ninh lương thực;
  • Nuôi trồng & chế biến: tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhưng hiệu suất sử dụng không cao [2][3][4], làm giảm giá trị và hình ảnh sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế;
  • Xử lý phụ phẩm: số lượng phụ phẩm ngày càng lớn, nếu không xử lý hợp lý sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên [5].

Những vấn nạn trên nếu không có giải pháp hợp lý sẽ cản trở sự phát triển của ngành, ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe người tiêu dùng và đánh mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhiều giải pháp bền vững

Các vấn đề trên tưởng chừng rời rạc nhưng hoàn toàn có thể giải quyết bằng một giải pháp tổng thể thông qua việc: “Phát triển ngành công nghiệp phụ phẩm với các giải pháp xanh để thu hồi dưỡng chất và tạo giá trị từ các dòng sản phẩm nguyên liệu mới”.

Trên thế giới, “tái sử dụng & nâng cao giá trị phụ phẩm” (upcycling and valorisation of byproduct) không còn là khái niệm mới trong bối cảnh nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày cạn kiệt. Nhiều quốc gia phát triển đã tận dụng tốt nguồn phụ phẩm để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm các tác động biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh & bền vững hơn.

Ở Việt Nam, với định hướng xây dựng ngành tôm (hiện đang đứng thứ 3 thế giới) trở thành ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, PHỤ PHẨM TÔM là mắt xích yếu nhất cần quan tâm xử lý. Từ nguồn phụ phẩm tôm dồi dào với công nghệ thích hợp có thể chiết xuất  ra nhiều sản phẩm giá trị cao như như polymer sinh học (Chitosan, Chitin, Oligochitosan…), Peptide sinh học, chất chống oxy hóa tự nhiên Astaxanthin… góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên.

Hình 3. Các sản phẩm giá trị gia tăng và ứng dụng đa dạng từ phụ phẩm tôm
Hình 4. Các sản phẩm từ phụ phẩm tôm là giải pháp ‘xanh’ cho ngành nông nghiệp Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự cuộc họp, Chitosan và Peptide là các nguyên liệu sinh học có tiềm năng to lớn dựa vào thế mạnh tự nhiên của Việt Nam.  Các sản phẩm này có thể phát triển không chỉ trong nông nghiệp (vật nuôi, cây trồng…) mà còn có thể phát triển các ứng dụng cao cấp cho thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, y học…. Việc VNF sản xuất thành công các nguyên liệu sinh học nói trên trong nước với chất lượng cao và ổn định, giá thành cạnh tranh đang góp phần tạo điều kiện cho các nhà khoa học đẩy nhanh phát triển ứng dụng cũng như khả năng thương mại hóa thành công.  Các sản phẩm nói trên hoàn toàn có thể quay lại phục vụ ngành tôm và nhiều ngành công nghiệp khác, tạo nên mô hình kinh tế tuần hoàn & bền vững cho đất nước.

Hình 5. Mô hình Kinh Tế Tuần Hoàn ngành tôm với các dòng sản phẩm của VNF

Sau khi lắng nghe các bên trình bày, Bộ Trưởng đánh giá cao tiềm năng & giá trị ngành phụ phẩm tôm có thể mang đến.  Chúng ta hoàn toàn tin rằng gánh nặng’ rác thải’ này nếu định hướng đúng sẽ là nguồn tài nguyên của tương lai. Bộ Trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ và kết hợp các nguồn lực trong nước (mô hình Ba Nhà) cùng giải quyết các vấn đề của ngành, tạo giá trị mới giúp ích cho môi trường và xã hội.

Hình 6. Mô hình phối hợp Ba Nhà (Nhà Nước – Nhà Khoa Học – Nhà Doanh Nghiệp)

Với mong muốn tiếp tục phát triển các sản phẩm mới và giải pháp hữu ích cho nước nhà, VNF tin rằng Mô Hình Ba Nhà với định hướng chỉ đạo của Nhà Nước và sự ủng hộ của Trường/ Viện, ngành phụ phẩm tôm có thêm động lực phát triển để để tạo ra thêm Sản Phẩm Việt bằng Trí Tuệ Việt và đưa Thương Hiệu Việt vươn tầm thế giới.

Hình 7. Tác động và đóng góp của ngành phụ phẩm tôm đến nền kinh tế, xã hội và môi trường